Mồ côi bố năm 10 tuổi, 1 mình mẹ nuôi 3 anh em tôi khôn lớn. Ngày đỗ đại học mẹ dẫn tôi đến từng nhà họ hàng để vay tiền, nhưng chỉ duy nhất 1 người chú cho vay 10 triệu. 7 năm sau tôi trở về khiến tất cả phải
Điều quý giá nhất mà người đàn ông nhận về từ đứa cháu không phải là căn nhà.
*Dưới đây là lời chia sẻ của anh Trần Văn Hoa , đăng tải trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc):
01
Năm 1985, tôi sinh ra từ một gia đình ở tỉnh Quảng Tây có nhiều đời làm nông. Ông nội đặt tên tôi là Trần Văn Hoa, để bày tỏ sự mong đợi của gia đình với tương lai của tôi. Ông kỳ vọng tôi có thể trở thành người khác biệt, có học thức và sự nghiệp thành công khi lớn lên.
Khi tôi lên mười, bố qua đời sau một trận bạo bệnh, để lại một mình mẹ gánh vác gia đình và chăm sóc ba anh em. Từ đó tôi không còn dành thời gian chơi đùa với bạn bè trong làng nữa mà bắt đầu phụ giúp mẹ làm việc. Hàng ngày, tôi phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mỗi lần đi – về từ nhà đến trường. Sau giờ học, tôi làm việc ngoài đồng và chăm sóc các em. Dẫu vất vả và không có nhiều thời gian học bài nhưng tôi luôn duy trì thành tích trong top 3 của lớp.
Năm 2001 là năm bắt đầu thay đổi số mệnh của tôi. Bởi năm đó, tôi chuẩn bị cho kỳ thi Đại học. Đây là khoảng thời gian rất bận rộn vì ban ngày tôi đập lúa và đến trường, còn khi đêm xuống thì thắp đèn ở nhà tự học.
Phải đến gần ngày thi Đại học, gia đình mới có đủ tiền để tôi lên thành phố tham dự kỳ thi. Trước khi đi, mẹ còn mổ gà mái cho tôi ăn để bổ sung dinh dưỡng. Bữa ăn đó rất ngon và đến bây giờ, tôi vẫn không quên hương vị của nó.
Ảnh minh hoạMột thời gian sau, tôi được nhận vào trường Đại học Trung Sơn với điểm thi đứng thứ năm toàn trường trong kỳ xét tuyển. Lúc đó, tôi nghe thầy giáo nói rằng đây là trường Đại học trọng điểm ở tỉnh Quảng Đông.
Biết tin này, hai đứa em rất mừng cho tôi, nhưng đôi lúc tôi thấy mẹ lén thở dài. Một hôm, mẹ gọi tôi vào nhà, lấy ra cuốn sổ tiết kiệm có chưa đến 3.500 tệ (12 triệu). Mẹ nói trong nước mắt: “Văn Hoa, cái này có không đến 3.000 tệ là ông nội con tiết kiệm trong mấy năm nay. Con thi đỗ đại học thì mẹ rất vui, nhưng học phí đắt đỏ quá”.
Nghe lời mẹ, tôi bật khóc theo bà. Tôi biết mấy năm kinh tế nhà tôi ngày càng khó khăn vì mẹ một mình phải gánh vác cả gia đình. Nhưng tôi không ngờ, nhà tôi lại nghèo đến thế.
02
Những ngày tiếp theo, mẹ dẫn tôi đến nhà họ hàng để vay tiền. Nhưng tại cái làng nghèo này, khi nhà họ cũng chật vật để sống qua ngày thì làm sao còn tiền cho mẹ tôi vay? Trong số những người thân, chỉ có gia đình dì ba của tôi là có kinh tế dư dả. Trước khi đến nhà dì ba, tôi hiểu rằng đây là một trong những họ hàng hiếm hoi có thể giúp đỡ tôi.
Khi chúng tôi gặp nhau, mẹ đi thẳng vào vấn đề, nói với dì là muốn vay 3.000 tệ (10 triệu) để tôi đi học Đại học, thời hạn trả lại là 3 năm tới. Lúc này, dì mời hai mẹ con tôi ngồi xuống uống nước. Sau đó, dì đưa cho tôi phong bao đỏ có chứa 300 tệ (1 triệu). Dì nói rằng, dì chỉ có thể dùng phong bao này để chúc mừng tôi đỗ Đại học, còn về việc cho vay 3.000 tệ thì không thể vì công việc của chú mấy năm nay sa sút.
Tôi nhìn ra bên ngoài sân, thấy chiếc xe đắt tiền mà họ vừa mới mua thì trong lòng càng lạnh hơn. Tôi biết con gái của dì, tức em họ của tôi cũng có nguyện vọng thi vào trường Đại học Trung Sơn, nhưng đã trượt vì không đủ điểm. Tôi nghĩ đây mới là nguyên nhân khiến dì từ chối cho nhà chúng tôi vay tiền, chứ không phải lời nói dối về hoàn cảnh gia đình.
Những ngày sau đó, vì nỗi buồn không thể đi học Đại học nên tôi chỉ nhốt mình trong nhà. Đúng lúc tôi đang tuyệt vọng thì chú ruột, người hiếm khi đến nhà tôi lại đột ngột gõ cửa. Người chú này đã bị gãy một chân từ nhỏ. Ông nội kể với tôi rằng sở dĩ chú bị tật ở chân vì ngã từ trên mái nhà nhưng không được chữa trị kịp thời.
Tôi thấy chú đang xách một chiếc balo rất nặng, gương mặt đầy vẻ mệt mỏi, nhưng nụ cười vẫn rất sáng. Chú nói với tôi: “Văn Hoa, chúc mừng cháu đã trúng tuyển đại học. Giờ cháu chỉ cần học tập chăm chỉ, còn lại đứng lo nghĩ gì nữa”. Vừa nói, chú vừa lấy một xấp tiền đưa cho mẹ. “Đây là 3.000 tệ mà tôi bán gạo kiếm được. Chị cầm lấy rồi đưa cháu đi học”, chú tiếp lời.
Nước mắt của tôi lập tức trào ra. Tôi hiểu rằng, vì có tật ở chân, đi lại khó khăn nên chú đã phải vất vả để kiếm đủ tiền sống. Vì biết hoàn cảnh của chú còn khó khăn hơn gia đình tôi nên mẹ đã không đến nhà chú vay tiền. Thế nhưng, không biết chú nghe được tin từ đâu mà còn chủ động đến nhà giúp đỡ chúng tôi.
Sau khi chú về, mẹ lắc đầu nói với tôi: “Văn Hoa, mẹ đoán 3.000 tệ này là tất cả tiền tiết kiệm của chú con. Chú con bị tật ở chân như thế thì kiếm được mấy đồng chứ. Sau này con lên thành phố học tập, nếu có thành tài thì không bao giờ được quên công ơn này”.
Lời mẹ vừa dứt thì tôi càng nghẹn ngào hơn. Tôi hiểu rằng, giờ đây việc lên thành phố học tập của tôi lại càng có thêm một động lực mới. Tôi không chỉ nỗ lực học tập để thay đổi cuộc đời của tôi, cuộc đời của mẹ, của gia đình mà còn vì người chú bị tật ở chân nhưng luôn sống có tình, có nghĩa với anh em này.
03
Thời gian trôi qua nhanh như chớp mắt. Thấm thoắt đã hơn 2 thập kỷ kể từ ngày tôi lên thành phố nhập học. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại Quảng Đông sinh sống và có sự nghiệp khá thành công trong mắt bạn bè.
Khi kiếm được tiền, tôi liền nghĩ đến việc báo đáp ân tình khi xưa. Năm ngoái, tôi đã chi 200.000 tệ (691 triệu) để sửa lại căn nhà cũ ở quê cho chú. Tôi sơn lại tường bên ngoài, xây thêm tầng, mua thêm nội thất và lát gạch men cho căn nhà. Vì chú tôi bị tật nên để thuận tiện cho di chuyển, tôi đã lắp thang máy trong nhà.
Ảnh minh hoạ
Khi nghe tin này, dì ba – người từng từ chối cho tôi vay tiền còn tìm đến nhà nói lời mỉa mai vì tôi không giúp đỡ dì khi đã có sự nghiệp thành công.
Từ đáy lòng, tôi hiểu dì nói những lời khó nghe không chỉ vì bà không hài lòng với việc tôi sửa lại nhà cho chú, mà còn ghen tị với cuộc sống của gia đình tôi ngày càng tốt lên. Nhưng người dì này sẽ không bao giờ biết được tôi đã đau buồn như thế nào vào cái ngày mà bà từ chối cho nhà tôi vay tiền.
Thời gian dần trôi, cuộc sống của tôi ngày càng tốt lên. Tôi đã có gia đình riêng và đưa mẹ về quảng Đông cùng sinh sống. Mỗi lần về làng, tôi đều ghé thăm chú. Tôi thật sự biết ơn người chú này, vì nếu năm đó ông không bán gạo cho tôi tiền đi học thì làm sao tôi có được ngày hôm nay?
Đến hiện tại, chú tôi vẫn ở một mình, không kết hôn và không có con cái nuôi dưỡng. Chú ngày càng già, trong làng càng ít người thân nên tôi sợ một ngày nào đó, chú không tự lo được cho mình. Cũng vì thế, tôi đã đưa chú lên sống cùng gia đình tôi ở tỉnh Quảng Đông.
Căn nhà của chú vẫn được chúng tôi giữ lại. Đợi một ngày nào đó khi tôi về già, thì cả tôi, mẹ và chú sẽ cùng về quê hương sống đời thanh bình, trở về với quê hương nghèo nhưng vẫn luôn có người thân sẵn sàng đưa tay giúp đỡ tôi khi gặp khó khăn.