Tranh cãi dữ dội liên quan tới Bích Tuyền và một tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam khác sau lượt về SEA V.League
Lượt về SEA V.League 2024 đã khép lại nhưng tranh cãi dữ dội nổ ra sau những quyết định được đánh giá là không chính xác của ban tổ chức.
Tranh cãi bùng nổ liên quan tới Bích Tuyền và một tuyển thủ khác của đội bóng chuyền nữ Việt Nam
Ở lượt đi SEA V.League, ban tổ chức đã gây tranh cãi lớn khi trao giải phụ công xuất sắc nhất cho Trà Giang thay vì Nguyễn Thị Trinh.
Giới chuyên môn đều thống nhất đánh giá Nguyễn Thị Trinh quá xứng đáng được trao giải “Phụ công xuất sắc nhất” vì phong độ quá ấn tượng và ổn định trong cả 3 trận đấu của tuyển Việt Nam. Trà Giang chơi cũng hay nhưng không được sử dụng liên tục và vẫn chưa xuất sắc như Nguyễn Thị Trinh.
Ở lượt về, ban tổ chức thậm chí còn gây tranh cãi dữ dội hơn khi không trao giải “đối chuyền xuất sắc nhất” cho Bích Tuyền, tiếp tục không trao giải phụ công xuất sắc nhất cho Nguyễn Thị Trinh.
Bích Tuyền ghi tới 25 điểm ở trận lượt về SEA V,League 2024 gặp tuyển Thái Lan, ghi tổng cộng 58 điểm nhưng vẫn không được trao giải “Đối chuyền xuất sắc nhất”
Khách quan mà nói, Bích Tuyền bị tâm lí nên ở trận tái đấu tranh ngôi vô địch với tuyển Thái Lan tại lượt về chơi không tốt, không thăng hoa như lượt đi.
Nhưng bất chấp điều đó, đối chuyền 24 tuổi vẫn ghi tới 25 điểm ở trận gặp Thái Lan (nhiều điểm nhất trận đấu), nâng tổng số điểm ghi ở lượt về SEA V.League lên 58 điểm.
Bích Tuyền chơi xuất sắc như vậy, đặc biệt vẫn thể hiện được tài năng và đẳng cấp trong cả hai cuộc đối đầu với tuyển Thái Lan nhưng ở lượt về, ban tổ chức lại trao giải “Đối chuyền xuất sắc nhất” cho Alyssa Solomon của tuyển Philippines.
Ngoài ra, cũng như ở lượt đi, ban tổ chức vẫn không trao giải “Phụ công xuất sắc nhất” cho Nguyễn Thị Trinh dù cô gái quê Đắk Lắk vẫn chơi rất ổn định và nổi bật ở các trận lượt về.
Việc cả Bích Tuyền và Nguyễn Thị Trinh đều không được tôn vinh ở lượt về SEA V.League gây tranh cãi lớn trong cộng đồng bóng chuyền Việt Nam. Rất nhiều người cho rằng ban tổ chức đã quyết định trao giải theo kiểu “phát chẩn” hay “cả làng cùng vui” thay vì trao giải dựa trên trình độ chuyên môn đúng nghĩa và tài năng thực sự mà VĐV đã thể hiện.