VFF chính thức lên tiếng về vụ FIFA tài trợ 100 triệu đô cho LĐBĐ Việt Nam xây sân vận động quốc gia mới, có 10 vạn chỗ ngồi
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa chính thức lên tiếng về tin đồn FIFA đầu tư 100 triệu USD xây sân vận động mới cho Việt Nam.
Báo Dân trí cho biết, thông tin FIFA đầu tư 100 triệu USD cho Việt Nam xây dựng SVĐ mới rộ lên từ mạng xã hội Tik Tok vào cuối tuần qua. "FIFA đồng ý giải ngân 120 triệu USD cho Việt Nam xây dựng 2 sân vận động 50.000 và 100.000 chỗ ngồi.
Sân vận động này dự kiến khởi công vào tháng 3/2024. 30 triệu USD sẽ dành cho giải phóng mặt bằng, còn lại toàn bộ quá trình xây dựng sân vận động sẽ do FIFA và đối tác của FIFA làm".
Mới đây, theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ, chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định thông tin FIFA tài trợ 100 triệu USD cho VFF xây sân vận động mới là không chính xác.
Nói rõ hơn về câu chuyện này, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, "Nguyên tắc của FIFA rất rõ ràng là SVĐ của nước nào thì nước đó phải tự xây. Ngay cả quốc gia muốn xin đăng cai tổ chức World Cup thì phải đầu tư SVĐ chất lượng, không có chuyện FIFA sẽ tài trợ tiền để xây sân vận động.
FIFA đúng là có hỗ trợ cho các liên đoàn thành viên theo từng năm một. Nhưng đó là các chương trình, mục tiêu trọng điểm mà các liên đoàn thành viên trình lên cho FIFA xem xét và phê duyệt. Nhưng số tiền hỗ trợ cũng chỉ một phần, chứ không phải số tiền lớn", lãnh đạo VFF nói thêm.
VFF lên tiếng về tin đồn FIFA đầu tư 100 triệu USD xây sân vận động mới cho Việt Nam. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Được biết, lần gần nhất, FIFA đã tài trợ cho Việt Nam 2,7 triệu USD trong chuỗi dự án nâng cấp cơ sở vật chất bóng đá tại Việt Nam.
Trong đó bao gồm lắp đặt hệ thống đèn pha mới, cải tạo sân nhân tạo, nâng cấp trang thiết bị tập luyện, thiết bị y tế và mới đây nhất là việc cải tạo ký túc xá cho các đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam.
Hiện nay, SVĐ lớn nhất của Việt Nam là SVĐ quốc gia Mỹ Đình, có sức chứa 40.000 chỗ ngồi và từng được đầu tư 53 triệu USD.
Nợ 869 tỷ đồng, Mỹ Đình không thể tổ chức giải điền kinh quốc gia
Tính đến tháng 8, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã nợ đến 869 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, nhiều giải thể thao trong nước lại không được tổ chức tại đây vì kinh phí tốn kém.
Từ năm 2018 đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết đã nhiều lần cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vì số tiền nợ thuế khổng lồ.
Gần nhất, chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã gửi đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.
Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình hiện nợ đến 869 tỷ đồng và bị cưỡng chế thuế.
Trong số hơn 869 tỷ đồng tiền nợ thuế của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, có 471,6 tỷ đồng là tiền thuê đất, 397,7 tỷ đồng là tiền chậm nộp và các khoản khác.
Hiện tại, tất cả các khoản nợ này, Khu liên hợp không còn khả năng chi trả. Những sai phạm trong quản lý tài sản công thời kì 2009-2018 (thời Giám đốc cũ) đã gây ra thất thu lớn cho nhà nước.
Trước đó, từ năm 2021 Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với số tiền vi phạm lên đến gần 777 tỷ đồng.
Hồi tháng 5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của Khu liên hợp Thể thao quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cùng rà soát, làm rõ diện tích đất của khu liên hợp phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Theo một lãnh đạo Khu liên hợp, hiện mỗi hợp đồng kinh doanh của đơn vị này ký với đối tác như cho thuê sân vận động Mỹ Đình làm nơi tổ chức bóng đá, cho thuê tổ chức sự kiện... thì phải đóng 40 - 50% tiền thuế và trích trả khoản nợ khổng lồ. Đây là lý do khiến Khu liên hợp gần như bị "tê liệt" trong các hoạt động kinh doanh những năm qua.
Một ví dụ điển hình là giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 khởi tranh vào ngày 24/10 nhưng lại diễn ra cách trung tâm Hà Nội tới 40km. Cụ thể, giải được tổ chức tại Miếu Môn, bởi nếu thi đấu ở sân Mỹ Đình chi phí tổ chức lên khoảng 1 tỷ đồng.
Nếu các vận động viên (VĐV) về đây tập luyện và thi đấu, Cục Thể dục thể thao sẽ phải trả chi phí vận hành cho Khu liên hợp vì đơn vị này tự chủ tài chính. Số tiền chi phí lên tới 1 tỷ đồng là quá sức trong bối cảnh ngành thể thao có nguồn ngân sách rất hạn chế.
"Tổ chức giải ở sân Mỹ Đình, chúng tôi sẽ phải chi trả toàn bộ kinh phí tổ chức khoảng 1 tỷ đồng, rất tốn kém. Trong khi tổ chức ở các địa phương khác kinh phí sẽ giảm đi nhiều, chỉ khoảng 300 triệu đồng vì được địa phương hỗ trợ về sân bãi, trang thiết bị và nhân sự", ông Nguyễn Mạnh Hùng - tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, cho biết.